Tìm hiểu về hình thức chế tài trong giao dịch dân sự và luật hợp đồng? Phân biệt chế tài dân sự và chế tài thương mại?

Tìm hiểu về hình thức chế tài trong giao dịch dân sự và luật hợp đồng? Phân biệt chế tài dân sự và chế tài thương mại?
Chế tài là một hình thức cưỡng chế của Nhà nước, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng và luôn mang đến hệ quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm pháp luật khi họ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ. Đây là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho thoả thuận của các bên khi tham gia vào các quan hệ dân sự được thực hiện.

I. CÁC HÌNH THỨC CHẾ TÀI TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ VÀ LUẬT HỢP ĐỒNG

1. Chế tài trong giao dịch dân sự

Chế tài dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng đối với tổ chức/cá nhân có hành vi vi phạm trong quan hệ dân sự khi họ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ các nghĩa vụ dân sự.

Chế tài dân sự mang tính đa dạng, có nhiều hậu quả khác nhau để áp dụng cho từng hành vi vi phạm tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, chế tài dân sự thường liên quan đến:

  • Tài sản: Buộc sửa chữa, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
  • Và các biện pháp khác: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai, tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

2. Chế tài trong luật hợp đồng

  • Thỏa thuận phạt vi phạm: Các bên trong hợp đồng thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm, mức phạt do các bên thỏa thuận trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác;
  • Bồi thường thiệt hại: Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình được hưởng do hợp đồng mang lại, còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại;
  • Huỷ bỏ hợp đồng: Hợp đồng sẽ không còn hiệu lực, các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận,
  • Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường. Liên đới bồi thường trong trường hợp vi phạm do nhiều người cùng gây ra.

 

II. PHÂN BIỆT CHẾ TÀI DÂN SỰ VÀ CHẾ TÀI THƯƠNG MẠI

1. Các loại chế tài trong dân sự: Như nội dung đã liệt kê ở mục I

2. Các loại chế tài trong Luật Thương mại

Được quy định chi tiết tại Điều 292 Luật Thương mại 2005:

- Buộc thực hiện hợp đồng;

- Phạt vi phạm;

- Buộc bồi thường thiệt hại;

- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

- Đình chỉ thực hiện hợp đồng

- Huỷ bỏ hợp đồng;

- Các biện pháp khác do các bên thỏa thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

2.1. Phạt vi phạm

  1. Chế tài Dân sự

- Đối với các hợp đồng dân sự thuần tuý, phạt vi phạm sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận và các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

- Các bên trong hợp đồng dân sự được tự do thỏa thuận mức phạt vi phạm mà không bị ràng buộc và khi đã có thoả thuận về phạt vi phạm mà không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì dù có thiệt hại xảy ra cũng không được áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.

 

  1. Chế tài Thương mại

- Phạt vi phạm là việc bên vi phạm hợp đồng phải trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách theo quy định của luật.

+ Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

+ Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

- Mức phạt vi phạm do vi phạm nghĩa vụ hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm sẽ được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm trừ trường hợp phạt vi phạm do kết quả giám định sai.

Theo đó, các bên trong hợp đồng thương mại sẽ không được thỏa thuận mức phạt quá cao so với quy định mà phải tuân theo mức giá sàn là 8%.

Theo quy định này, chế tài bồi thường thiệt hại đương nhiên được áp dụng nếu có thiệt hại xảy ra mà không phụ thuộc vào việc các bên có thoả thuận áp dụng chế tài này hay không. Trong trường hợp có thoả thuận về phạt vi phạm thì cả hai loại chế tài là phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại sẽ được áp dụng cùng lúc.

 

2.2. Bồi thường thiệt hại

  1. Chế tài Dân sự

- Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do lợi ích mà mình được hưởng do hợp đồng mang lại.

- Có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại do hợp đồng mang lại.

 

  1. Chế tài Thương mại

Cơ bản thì chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại sẽ tương tự với quy định trong Bộ luật Dân sự.

- Bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh khi có đủ các yếu tố sau:

+ Có hành vi vi phạm hợp đồng;

+ Có thiệt hại thực tế;

+ Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

- Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm thì bên vi phạm phải bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm của mình đã gây ra cho bên bị vi phạm. Bao gồm giá trị của những tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu và những khoản lợi mà đáng ra bên bị vi phạm được hưởng nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Dân sự 2015;
  2. Luật Thương mại 2005;
  3. TNTP Law, ‘Phân biệt quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005’, <https://dsdc.com.vn/phan-biet-quan-he-giua-che-tai-phat-vi-pham-va-che-tai-boi-thuong-thiet-hai-trong-bo-luat-dan-su-nam-2015-va-luat-thuong-mai-nam-2005/> truy cập ngày 24/4/2024.

Bảo Ngọc

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com