Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo pháp luật Việt Nam

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo pháp luật Việt Nam
Chế độ tai nạn lao động là một phần quan trọng của hệ thống bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, đảm bảo an sinh cho người lao động trong trường hợp họ gặp phải tai nạn hoặc bị tổn thương khi làm việc. Điều kiện để được hưởng chế độ này được quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam, nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch trong việc xác định quyền lợi của người lao động. Hãy cùng Viện Nghiên Cứu Pháp Luật Kinh Tế Doanh Nghiệp tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

1. Tai nạn lao động là gì?

Căn cứ tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, “tai nạn lao động” là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

 

2. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động của người lao động

Theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện dưới đây:

 

Điều kiện thứ nhất: Người lao động bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp

  • Trường hợp 1: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.
  • Trường hợp 2: Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.
  • Trường hợp 3: Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

 

Điều kiện thứ hai: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều 45;

 

Điều kiện thứ ba: Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này. 

 

Như vậy, người lao động cần có hiểu biết sâu rộng về quy định này để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động. Hơn nữa, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh để giảm thiểu nguy cơ tai nạn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho tất cả người lao động. Sự nhận thức và tuân thủ đúng đắn các quy định về chế độ tai nạn lao động không chỉ là trách nhiệm của người lao động mà còn là cách để tạo ra một xã hội công bằng và phát triển bền vững.

 

Cơ sở pháp lý: Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 do Quốc hội ban hành.

 

Thúy Quỳnh

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com