Tác động tiêu cực của hàng giả, hàng kém chất lượng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp

Tác động tiêu cực của hàng giả, hàng kém chất lượng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp
Hiện nay trên thị trường đang tồn tại song song các hàng hóa đạt chất lượng, các thương hiệu có độ nhận diện cao với hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm … Trên thực tế, các mặt hàng có thương hiệu, được sản xuất từ các hãng uy tín và được người tiêu dùng tin dùng thường có nguy cơ bị làm giả, làm nhái ở mức cao. Những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng thường có giả rẻ hơn so với hàng hóa đạt chất lượng, cùng với đó là việc các tiểu thương hám lợi đã trà trộn hàng kém chất lượng với các hàng hóa chất lượng tốt nhằm mục đích đánh lừa người tiêu dùng. Đây là một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội, không chỉ mang lại nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thị trường, chủ thể kinh doanh chân chính, nhà sản xuất.

Những tác hại của hàng giả - Hình 1

(Nguồn: Tạp chí điện tử Thương hiệu và Công luận)

Với nhiệm vụ tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; năng suất; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa; mã số, mã vạch…trong năm 2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai thực hiện kiểm tra 215 tổ chức và 22 tổ chức trùng với các đoàn thanh tra QLTT, thanh tra, kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh hoặc cùng một đối tượng trùng với kiểm tra nhập khẩu (đạt 100% theo kế hoạch). Kiểm tra, khảo sát chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, lưu thông 159 cơ sở kinh doanh tại các địa phương với 363 mẫu được khảo sát. Kết quả 49/363 mẫu ghi nhãn không phù hợp quy định; 12/363 mẫu không đạt về chất lượng. Kiểm tra 150 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em; thiết bị điện, điện tử; vàng trang sức mỹ nghệ tại các địa phương với 476 mẫu được kiểm tra. Kết quả 476/476 mẫu ghi nhãn phù hợp, 248/248 phương tiện đo còn hiệu lực kiểm định. Về xăng dầu đã tổ chức kiểm tra tại 34 cơ sở pha chế, nhập khẩu xăng dầu xử lý 7 cơ sở vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu nhập khẩu và xử phạt hành chính 6 cơ sở nhập khẩu xăng dầu. (Trích bài báo “Những con số đáng báo động về hàng giả, gian lận thương mại và thực phẩm bẩn năm 2023” của tạp chí điện tử Vietq.vn)

Trên đây chính là những con số đáng báo động về thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng của thị trường Việt Nam trong năm vừa qua. Những mặt hàng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng mà còn gây tổn hại đến uy tín, lợi nhuận của các doanh nghiệp. Chúng ta cần làm gì để tự bảo vệ mình trước hiện trạng tràn lan của các sản phẩm bị làm giả và các sản phẩm kém chất lượng? Cùng RIBEL tìm biện pháp giải quyết cho vấn đề này qua bài viết dưới đây.

1. Ảnh hưởng của hàng giả, hàng kém chất lượng tới người tiêu dùng 

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, “hàng giả” có thể được hiểu là mặt hàng có giá trị và công dụng sử dụng không đúng với giá trị và công dụng vốn có của tên gọi của hàng hóa đó. Còn “hàng kém chất lượng” là hàng hóa có chất lượng thấp hơn so với quy định chất lượng theo quy định của pháp luật. Người tiêu dùng khi mua và sử dụng các loại hàng hóa trên sẽ gây thiệt hại rất lớn về tiền bạc và thậm chí là gây nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng của bản thân họ.

Hàng giả, hàng kém chất lượng khi đã được tiêu thụ thì rất khó để tìm kiếm được nguồn gốc của hàng hóa, dẫn đến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc đòi đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật. 

Quốc hội hiện nay đã ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2024. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã phê duyệt “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025” nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho giao dịch trực tuyến và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

2. Ảnh hưởng của hàng giả, hàng kém chất lượng đến doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, hàng giả không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ, uy tín và lợi nhuận mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đặc biệt, ở thị trường Việt Nam thì hàng giả trị giá thấp hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Người bán còn cho người mua biết được đây chính là hàng giả, thậm chí là giả bao nhiêu phần trăm so với hàng chính hãng. Và đối với tâm lý ưa chuộng hàng rẻ của người tiêu dùng Việt thì họ sẽ có xu hướng lựa chọn mặt hàng có chi phí tiết kiệm hơn. Mặt khác, việc giảm giá hàng chính hãng xuống ngang với hàng giả, hàng kém chất lượng là điều không thể, trong khi đó, các doanh nghiệp rất đề cao lợi nhuận nên việc giảm giá hàng hóa quá mức sẽ phá vỡ tiêu chí kinh doanh của họ.

Nguồn gốc của những hàng hóa kém chất lượng không chỉ xuất phát từ những đối tượng giả mạo, không có giấy phép kinh doanh, mà còn đến từ chính những cơ sở kinh doanh đang hoạt động, có giấy phép kinh doanh. Thậm chí hàng kém chất lượng còn xuất phát từ người bán hay từ nhà phân phối do việc bảo quản hàng hóa không đúng cách.  Tóm lại, dù xuất phát từ bất cứ đâu thì hàng kém chất lượng cũng gây ảnh hưởng đến danh dự của các doanh nghiệp, gây mất lòng tin của người tiêu dùng đến các sản phẩm khác của doanh nghiệp đó.

3. Vai trò của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong công cuộc chống hàng giả, hàng kém chất lượng

Người tiêu dùng và doanh nghiệp là hai chủ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hàng giả và hàng kém chất lượng. Hai chủ thể trên cũng có vai trò quan trọng trong công cuộc đối đầu với hàng giả, hàng kém chất lượng.

Người tiêu dùng là mục tiêu lớn nhất của các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Các đối tượng trên dùng rất nhiều chiêu trò khác nhau nhằm kiếm lợi nhuận từ người tiêu dùng. Để tránh những tổn thất, thiệt hại mà hàng giả mang lại, người tiêu dùng nên cân nhắc khi lựa chọn bất kỳ sản phẩm nào dựa trên việc cẩn thận tìm hiểu, tham khảo về nguồn gốc sản phẩm đó. Người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu các đặc điểm của hàng chính hãng để có thể tự nhận biết được đâu là hàng giả, tìm hiểu các quy chuẩn chất lượng hàng hóa để biết được đâu là hàng kém chất lượng nhằm tránh mua phải các mặt hàng trên. 

Người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật để có thể đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Hiện nay, có rất nhiều quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, từ Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 cho đến các dự thảo luật hay quyết định của chính phủ vừa ra gần đây như dự thảo luật bảo vệ người tiêu dùng 2023, Quyết định 319/QĐ-TTg 2023 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đây chính là những cơ sở quan trọng mà người tiêu dùng cần chú ý và tìm hiểu để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của bản thân. 

Các doanh nghiệp kinh doanh hàng chính hãng có thể được coi là đối trọng lớn nhất đối với hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay lại có rất ít các quy định trong luật sở hữu trí tuệ 2005, hay luật cạnh tranh 2018 để bảo vệ doanh nghiệp trong việc đối đầu với hàng giả, hàng kém chất lượng. Các doanh nghiệp cần phải thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng nhận biết được đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng. Các doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cũng nên chú ý đến các quy định pháp luật về tiêu chuẩn của hàng hóa mình sản xuất, nhằm tránh việc sản xuất ra các mặt hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu dùng.

Cơ sở pháp lý 

  • Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số số 59/2010/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2010;
  • Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2023 ;
  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) do Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2005;
  • Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2018;
  • Quyết định 319/QĐ-TTg 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025;
  • Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt hành chính hoạt động buôn bán hàng giả;

Nguồn: 

Quang Anh

 

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com