Thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh cho chi nhánh

Thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh cho chi nhánh
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì chi nhánh có thể hoạt động ở tất cả các lĩnh vực của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh ổn định và chỉ được kinh doanh trong phạm vi ngành nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký. Hiện nay, các chi nhánh thường có xu hướng và nhu cầu mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh để góp phần mở rộng quy mô và phát triển doanh nghiệp. Vậy chi nhánh muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh thì cần thực hiện các thủ tục gì? Hãy cùng Viện Nghiên Cứu Pháp Luật Kinh Tế Doanh Nghiệp nghiên cứu về vấn đề này qua bài viết sau đây.
  1. Khái niệm chi nhánh

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, “chi nhánh” là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

 

  1. Hồ sơ và thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh của chi nhánh

Như phần khái niệm về chi nhánh đã nêu thì ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, trong trường hợp ngành nghề bổ sung cho chi nhánh chưa có trong hệ thống ngành nghề của doanh nghiệp thì phải thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề cho doanh nghiệp, sau đó thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh cho chi nhánh.

Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trường hợp thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Hồ sơ thay đổi ngành nghề kinh doanh của chi nhánh bao gồm các giấy tờ sau:

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện trong trường hợp thay đổi người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;

- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có).

Khi nhận được thông báo của doanh nghiệp, phòng đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ thực hiện bổ sung ngành nghề cho chi nhánh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ phòng đăng ký kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

  1. Một số lưu ý khi bổ sung ngành nghề kinh doanh cho chi nhánh

- Khi thực hiện việc thay đổi ngành nghề kinh doanh của chi nhánh, doanh nghiệp cần phải rà soát các ngành nghề đã đăng ký trước có còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành không.

- Trong trường hợp ngành nghề đó có sửa đổi/bổ sung theo quy định pháp luật thì doanh nghiệp phải sửa đổi/bổ sung sao cho phù hợp. Đối với các ngành nghề bổ sung mới mà thuộc trường hợp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện của ngành nghề đó trước khi thực hiện thủ tục thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

- Điền đúng mã nghề kinh doanh được quy định cụ thể tại Quyết định số 27/2018/QĐ-Ttg và  rà soát ngành nghề dự định bổ sung có thuộc trường hợp cấm hay hạn chế kinh doanh không.

 

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Quyết định 27/2018/QĐ-Ttg về Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. 

Bảo Ngọc

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com