Phá sản là gì? Làn sóng phá sản tác động đến xã hội như thế nào?

Phá sản là gì? Làn sóng phá sản tác động đến xã hội như thế nào?
Với làn sóng thành lập các công ty doanh nghiệp lớn, nhỏ hiện nay liệu có bao nhiêu doanh nghiệp không phải đối mặt với vấn nạn “phá sản” do không đủ khả năng chi trả các khoản chi phí bắt buộc để vận hành một doanh nghiệp? Hãy cùng Viện Nghiên Cứu Pháp Luật Kinh Tế Doanh Nghiệp nghiên cứu về vấn đề này qua bài viết sau đây.

VPHC về phá sản doanh nghiệp bị phạt tới 40 triệu đồng

(Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)

Trong nền kinh tế đang diễn biến khó khăn hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản do không có khả năng chi trả các khoản nợ, chi phí khác. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp với quy mô từ nhỏ đến lớn. Để tìm hiểu về chủ đề này, trước hết chúng ta cần phải hiểu phá sản là gì? 

Có rất nhiều định nghĩa về phá sản, tuy nhiên ta có thể hiểu một cách đơn giản “phá sản” là tình trạng một công ty hay xí nghiệp khó khăn về tài chính, bị thua lỗ hoặc thanh lý xí nghiệp không đảm bảo đủ thanh toán tổng số các khoản nợ đến hạn. Chiếu theo pháp luật Việt Nam đã đưa ra định nghĩa về phá sản tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 như sau: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

Vậy ta đặt câu hỏi “mất khả năng thanh toán là gì”? Theo đó doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014.  

Theo thống kê gần đây nhất Bộ Xây dựng cho biết năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn, có gần 5.000 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn và tình trạng bị cắt giảm nhân sự trong các xí nghiệp nhà máy, khu chế xuất gia tăng nhanh chóng. Có tới 1.286 doanh nghiệp phá sản, giải thể, tăng 7,7%, và 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 47,4%, so với cùng kỳ năm trước (trích Báo Tuổi trẻ online, ngày 20/01/2024, tác giả Bảo Ngọc). Trong giai đoạn tháng 9 - 11 của năm 2023, tình trạng các công nhân ở các nhà máy, khu chế xuất Bình Dương, Đồng Nai đã bị cắt giảm nhân sự hoặc cho nghỉ việc diễn ra khá phổ biến, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và sự phát triển của xã hội nói riêng. 

Có thể nói “phá sản” là con dao hai lưỡi gây tổn hại lớn đến đời sống người dân cũng như sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, mỗi một vấn đề trong xã hội đều có hai mặt. Vậy vì sao xã hội hiện nay có tình trạng “làn sóng phá sản”

  • Trên phương diện xã hội

Đầu tiên phải nói đến nguyên nhân nền kinh tế sau nhiều biến động có sự sa sút. Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều bất ổn cả về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng.

Kinh tế và thương mại toàn cầu phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, các quốc gia vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, hàng tồn kho ở một số nước ở mức cao, tổng cầu thế giới sụt giảm, đặc biệt là những tháng đầu năm dẫn tới đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam giảm 12,1%, nhập khẩu hàng hoá giảm 18,2% (trích Tạp chí Tài chính, ngày 12/02/2024, tác giả TS, Nguyễn Văn Hội). Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên xuất nhập khẩu các loại mặt hàng như nông sản, thủy hải sản không xuất khẩu được dẫn đến tồn đọng hàng hóa, vốn lưu động trong doanh nghiệp bị tồn đọng làm cho chủ doanh nghiệp phải gồng vốn trong thời gian dài. 

Tình hình kinh tế không mấy khởi sắc khiến các nhà đầu tư e ngại trong việc rót vốn để đầu tư. Vốn đầu tư không có, vốn để duy trì hoạt động doanh nghiệp bị tồn động, đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, hiện tượng “chảy máu chất xám”, chế độ lương, thưởng cũng như đãi ngộ xã hội của các doanh nghiệp không đủ thu hút các nhân tài được đào tạo trong và ngoài nước.

  • Trên phương diện doanh nghiệp độc lập

    Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của một doanh nghiệp trong đó phải nói đến lỗ hổng trong chính sách quản lý. Doanh nghiệp muốn vững mạnh phải có sự dẫn dắt tài giỏi của người quản lý và phải có kế hoạch duy trì hoạt động lâu dài. 

Yếu tố nhân sự là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của các ban quản lý. Nhân lực mạnh, có chuyên môn cao thì hiệu suất làm việc tăng nhanh chóng và ngược lại. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân sự đang là vấn đề nan giải ở các doanh nghiệp hiện nay. 

Việc xác định phân khúc thị trường cũng là nguyên nhân dẫn đến phá sản. Một doanh nghiệp muốn hoạt động tốt cần phải xác định được phân khúc khách hàng, việc xác định sai không những không tạo ra doanh thu mà còn gây ra sự lỗ vốn cho doanh nghiệp đó. Vì vậy, đây có thể là nguyên nhân ngầm dẫn đến sự phá sản. 

Với những nguyên nhân nêu trên, việc phá sản có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển xã hội? 

Sự phát triển của kinh tế - xã hội và đời sống người dân có sự tác động qua lại, khi làn sóng phá sản diễn ra dẫn đến dòng chảy kinh tế bị trì trệ khi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp không thể tồn tại, từ đó xã hội không thể phát triển, người dân thất nghiệp đời sống không đảm bảo và có nhiều hơn các tệ nạn xảy ra. Điều này vô hình chung tạo gánh nặng lớn cho xã hội. 

Nền kinh tế thị trường gặp khó khăn sẽ dẫn đến hệ lụy các lĩnh vực khác, không có kinh tế mọi hoạt động trong xã hội bị trì trệ, kém phát triển tụt hậu so với các quốc gia khác nên thế giới.

Doanh nghiệp phá sản, người dân thất nghiệp không tạo được thu nhập gây ảnh hưởng đến dòng lưu động của thuế. Bên cạnh đó, nhà nước phải chi các khoản như trợ cấp thất nghiệp dẫn đến sự khó khăn kinh tế. 

Nguồn:

Mộng Nghi

 

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com