1. Trường hợp thực phẩm được thu hồi
Căn cứ Điều 55 Luật an toàn thực phẩm 2010, hàng hóa bị thu hồi trong những trường hợp sau:
- Thực phẩm hết thời hạn sử dụng mà vẫn bán trên thị trường;
- Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
- Thực phẩm là sản phẩm công nghệ mới chưa được phép lưu hành;
- Thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh;
- Thực phẩm có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định;
- Thực phẩm nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác hoặc tổ chức quốc tế thông báo có chứa tác nhân gây ô nhiễm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.
(Nguồn: Internet)
2. Các hình thức thu hồi thực phẩm không đảm bảo an toàn
Căn cứ vào Điều 3 Thông tư 23/2018/TT-BYT có 2 hình thức thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm bao gồm:
- Thu hồi tự nguyện: áp dụng đối với sản phẩm do tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm, tự nguyện thu hồi. Tuy nhiên thu hồi tự nguyện không thuộc trường hợp quy định đối với thu hồi bắt buộc.
- Thu hồi bắt buộc: áp dụng đối với cá nhân, tổ chức thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền bao gồm:
+ Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố hoặc cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
+ Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
(Nguồn: Internet)
3. Trình tự thu hồi
Căn cứ vào Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư 23/2018/TT-BYT có những quy định sau:
3.1. Thu hồi tự nguyện:
- Trong thời gian tối đa 24 giờ, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh về sản phẩm không bảo đảm an toàn nếu xác định sản phẩm thuộc trường hợp phải thu hồi, chủ sản phẩm có trách nhiệm:
+ Thông báo đến hệ thống sản xuất, kinh doanh (bao gồm cơ sở sản xuất, kênh phân phối, đại lý, cửa hàng) qua hình thức bằng điện thoại, email hoặc các hình thức thông báo phù hợp khác, sau đó thông báo bằng văn bản chính thức tới toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh để dừng việc sản xuất, kinh doanh và thực hiện thu hồi sản phẩm;
+ Thông báo bằng văn bản tới các cơ quan thông tin đại chúng cấp tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trường hợp việc thu hồi được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì phải thông báo bằng văn bản tới các cơ quan thông tin đại chúng cấp trung ương để thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm phải thu hồi;
+ Thông báo bằng văn bản tới cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm về việc thu hồi sản phẩm;
+ Khi thông báo bằng văn bản về việc thu hồi sản phẩm, chủ sản phẩm phải nêu rõ: tên, địa chỉ của chủ sản phẩm và nhà sản xuất, tên sản phẩm, quy cách bao gói, số lô sản xuất, ngày sản xuất và hạn dùng, số lượng, lý do thu hồi sản phẩm, danh sách địa điểm tập kết, tiếp nhận sản phẩm bị thu hồi, thời gian thu hồi sản phẩm.
- Trong thời gian tối đa 03 ngày kể từ khi kết thúc việc thu hồi, chủ sản phẩm có trách nhiệm báo cáo kết quả việc thu hồi sản phẩm tới cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm (theo mẫu 1) và đề xuất hình thức xử lý sau thu hồi.
3.2. Trình tự thu hồi bắt buộc
- Trong thời gian tối đa 24 giờ, kể từ thời điểm xác định sản phẩm thuộc trường hợp phải thu hồi bắt buộc, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi phải ban hành quyết định thu hồi (theo mẫu 2).
- Ngay sau khi nhận được quyết định thu hồi, chủ sản phẩm phải thực hiện các quy định về trách nhiệm như đối với trình tự thu hồi tự nguyện như trên.
- Trong thời gian 03 ngày, kể từ khi kết thúc việc thu hồi, chủ sản phẩm có trách nhiệm báo cáo kết quả việc thu hồi sản phẩm tới cơ quan đã ban hành quyết định thu hồi (theo mẫu 1) và đề xuất hình thức xử lý sau thu hồi.
- Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi ban hành quyết định thu hồi sản phẩm có trách nhiệm giám sát việc thu hồi và thông báo tới cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm, các cơ quan liên quan để phối hợp.
3.3. Trình tự thu hồi trong trường hợp nghiêm trọng, khẩn cấp
- Trong trường hợp chủ sản phẩm không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ việc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn theo quyết định thu hồi bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền hoặc các trường hợp cấp thiết thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng hoặc các trường hợp khẩn cấp khác quy định tại Điểm d Khoản 5 Điều 55 Luật An toàn thực phẩm thì cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi và tổ chức việc thu hồi sản phẩm. Quyết định cưỡng chế thu hồi phải nêu rõ cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện việc cưỡng chế, cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giám sát hoặc chứng kiến, thời hạn cưỡng chế và hình thức xử lý sản phẩm sau thu hồi.
- Sau khi kết thúc việc thu hồi và xử lý sản phẩm không bảo đảm an toàn, cơ quan thực hiện việc thu hồi và xử lý sản phẩm sau thu hồi có văn bản thông báo đề nghị chủ sản phẩm thực hiện nghĩa vụ thanh toán chi phí đã thu hồi sản phẩm.
- Chủ sản phẩm có trách nhiệm thanh toán chi phí thực hiện việc thu hồi và xử lý sản phẩm (nếu có) trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày có văn bản thông báo của cơ quan đã thực hiện việc thu hồi sản phẩm.
Cơ sở pháp lý:
- Luật an toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 do Quốc Hội ban hành;
- Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 9 năm 2018 quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y Tế;
- Nguồn: Thành Sơn (2024) “Thu hồi sản phẩm cải thiện sức khỏe nam giới, Báo Sài Gòn Giải Phóng, http://www.sggp.org.vn/thu-hoi-san-pham-cai-thien-suc-khoe-nam-gioi-post722962.html, truy cập ngày 19/01/2024.
Mẫu số 1 : https://vienphapluatkinhtedoanhnghiep.vn/upload/elfinder/ph%E1%BB%A5%20l%E1%BB%A5c%201%20BYT.docx
Mẫu số 2: https://vienphapluatkinhtedoanhnghiep.vn/upload/elfinder/ph%E1%BB%A5%20l%E1%BB%A5c%202%20BYT.docx
Quỳnh Trang