CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ: “CANH BẠC” CHO DOANH NGHIỆP VÀ CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ: “CANH BẠC” CHO DOANH NGHIỆP VÀ CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG
Kể từ năm 2015 - thời kỳ “thai nghén” chuyển đổi số cho nền kinh tế - Việt Nam dần dà bước qua giai đoạn xây kén và dường như đã “phá kén” thành công. Trải qua gần một thập kỷ, Việt Nam ghi thành tựu khi trở thành nền kinh tế số bùng nổ nhanh đứng thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Ấn Độ (theo số liệu năm 2022)  và được dự đoán có tốc độ tăng trưởng bậc nhất trong giai đoạn 2022 - 2026. Tuy vậy, nỗ lực đó đa phần được đóng góp nhờ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ở Việt Nam còn đang chập chững tập đi trên con đường chuyển đổi số. Giữa bối cảnh đó, đứng trước kỳ vọng tăng trưởng kinh tế quốc gia cùng với các áp lực chính sách, số phận của doanh nghiệp dường như phụ thuộc vào sự thành bại trong “canh bạc” chuyển đối số. Mặt khác, với các doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công, một yêu cầu khác được đặt ra là sự phát triển bền vững. Song, muốn thực hiện được điều đó thì cần có sự chuyển đổi không ngừng nghỉ, sự thích nghi nhanh chóng trước các biến chuyển khôn lường của nền kinh tế.

CHUYỂN ĐỔI SỐ KINH TẾ DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LUẬT
 Nỗ lực chuyển đổi số nền kinh tế được thể hiện qua các bước tiến mạnh mẽ trong việc ban hành các chính sách pháp luật liên quan. Bước đi chiến lược đầu tiên của Nhà nước là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, định hướng chiến lược về chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Kế thừa tinh thần của nghị quyết, Luật Giao dịch điện tử 2005 (hiện đang được sửa đổi) và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã đặt những viên gạch đầu tiên cho cơ sở pháp lý của các hoạt động kinh tế số, giúp các doanh nghiệp và tổ chức dễ dàng tiếp cận giao dịch trực tuyến.
Dấu ấn tiếp theo là Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về quản lý hạ tầng thông tin số, trong đó quy định các tiêu chuẩn về quản lý nền tảng công nghệ số, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong môi trường số. Bên cạnh đó, Thông tư số 01/2022/TT-BTTTT hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình tiếp cận và khai thác hiệu quả công nghệ số. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Các nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đã đặt mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao, trong đó có ngành công nghệ thông tin. Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, nhằm xây dựng Chính phủ điện tử và kinh tế số.
Một trong những điểm nhấn của chính sách pháp luật về chuyển đổi số tại Việt Nam là việc tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng số đã được triển khai rộng rãi nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh nhằm tiếp cận những công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Sự có mặt của các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo nên một khung sườn để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kinh tế số. Tuy vậy, pháp luật vẫn chưa thực sự theo kịp những chuyển biến nhanh chóng của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế số. Mặt khác, pháp luật chỉ đóng vai trò làm nền tảng, sự thành bại trong việc chuyển đổi số đa phần là ở năng lực của doanh nghiệp đó. Chính vì lẽ đó, dưới khuôn khổ pháp luật, doanh nghiệp cần nắm rõ những yếu tố then chốt để trở thành người thắng cuộc trong “trò chơi” chuyển đổi số.
BÀI HỌC CHO DOANH NGHIỆP VỀ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ SỐ
Đúc kết từ các nghiên cứu định tính
Nghiên cứu định tính về quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều yếu tố quan trọng, không chỉ từ góc độ công nghệ mà còn về tổ chức, nhân lực, và văn hóa doanh nghiệp. Theo Mazzei và Noble (2017), một trong những bài học lớn nhất là sự thay đổi trong cách ra quyết định của lãnh đạo nhờ khả năng truy cập thông tin tức thời và dữ liệu mở. Lãnh đạo cần có tư duy chiến lược linh hoạt để kịp thời ứng dụng công nghệ vào quy trình quản trị, đồng thời thể hiện khả năng học hỏi và phát triển trong bối cảnh số hóa (Sia & cộng sự, 2016). Nghiên cứu của Bharadwaj (2000) khẳng định sức mạnh của chiến lược kinh doanh số, cho rằng công nghệ không chỉ hỗ trợ quản trị mà còn trở thành yếu tố cốt lõi trong xây dựng chiến lược dài hạn. Khi doanh nghiệp chuyển đổi số, việc tích hợp công nghệ vào mô hình kinh doanh đòi hỏi sự phối hợp liên phòng ban để tối ưu hóa hiệu quả vận hành (Chatterjee & cộng sự, 2002).
Về năng lực nhân sự, Daniel và Wilson (2003) nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ nhân viên có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới, đồng thời phát triển khả năng khai thác các mạng lưới kỹ thuật số để cải tiến công việc. Nhân viên cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để triển khai các giải pháp công nghệ số một cách hiệu quả, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp (Dremel & cộng sự, 2017). Nền tảng công nghệ hiện tại của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng mạnh đến khả năng chuyển đổi số. Những doanh nghiệp có hạ tầng kỹ thuật số tốt sẽ dễ dàng triển khai các giải pháp như điện toán đám mây, dữ liệu lớn hay hệ thống quản trị thông tin hiện đại, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh (White, 2012). Loebbecke và Picot (2015) cũng chỉ ra rằng chuyển đổi số không chỉ thay đổi cơ cấu tổ chức mà còn tạo ra các cơ hội mới, vượt ra khỏi ranh giới doanh nghiệp truyền thống, mở ra các mối quan hệ hợp tác đa chiều trong nền kinh tế số.
Tóm lại, dựa trên các nghiên cứu định tính và các lý thuyết chi phối, đứng trước vấn đề chuyển đổi kinh tế số, doanh nghiệp cần trang bị, trau dồi tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo, đội ngũ nhân lực có khả năng thích ứng cao, văn hóa doanh nghiệp và hạ tầng công nghệ.
Đúc kết từ nghiên cứu định lượng 
Bài học quan trọng từ các nghiên cứu định lượng về chuyển đổi số cho thấy sự thành công của quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ nội tại doanh nghiệp đến các tác động bên ngoài. Theo nghiên cứu tại tạp chí Khoa học & Đào tạo ngân hàng, được thực hiện trên 200 doanh nghiệp tại Việt Nam, có bảy nhân tố chính ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số, theo mức độ quan trọng giảm dần: (i) hỗ trợ chính sách được hỗ trợ từ chính phủ, (ii) an toàn và bảo mật thông tin, (iii) quy trình số hóa, (iv) chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp, (v) năng lực nhân sự, (vi) cấu hình cơ sở hoạt động kinh doanh và (vii) các dịch vụ hỗ trợ khách hàng trực tuyến. 
Một nghiên cứu định lượng khác được khoanh vùng trong phạm vi nhỏ hơn - tỉnh Đồng Tháp - cũng đã chỉ ra được quân cờ chủ chốt mà các doanh nghiệp cần nắm bắt.  Trước hết, điều đáng chú ý là không có sự khác biệt lớn về khả năng chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp dù khác biệt về quy mô, lĩnh vực hay loại hình sở hữu. Điều này nhấn mạnh một thực tế: yếu tố quyết định không nằm ở quy mô hay loại hình mà nằm ở chính nội lực của doanh nghiệp.  Trong đó, năng lực nhân viên được coi là yếu tố then chốt. Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện về công nghệ mà còn là về con người. Để thành công, doanh nghiệp phải chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo đội ngũ có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu công việc mới, từ phân tích dữ liệu lớn đến các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, quản lý và thích ứng linh hoạt. Bên cạnh đó, công nghệ là nền tảng không thể thiếu. Doanh nghiệp không thể thành công nếu không lựa chọn đúng công nghệ phù hợp. Quá trình chuyển đổi sẽ thất bại nếu doanh nghiệp giữ nguyên cách thức cũ, không đổi mới và cập nhật công nghệ. Thực tế cho thấy, chỉ những doanh nghiệp sẵn sàng thay đổi mới có thể cạnh tranh và tồn tại trên thị trường khốc liệt hiện nay.
Chuyển đổi số dường như là “canh bạc” sống còn cho các doanh nghiệp. Bởi lẽ rằng, nếu chiến thắng, doanh nghiệp sẽ mở ra được một chương mới về cả tài chính, lộ trình phát triển và danh tiếng. Song, nếu thua cuộc, doanh nghiệp sẽ phải nếp lại đằng sau, đứng trước rào cản gia nhập vào nền kinh tế hiện đại và việc “hồi sinh” một lần nữa vào cuộc đua chuyển đổi số là vô cùng khó khăn. Chuyển đổi số chưa bao giờ là bài toán có sẵn lời giải cho các doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, chinh phục chuyển đổi số nền kinh tế là vừa là việc cần làm cho bản thân doanh nghiệp, vừa là sứ mệnh đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Mỗi doanh nghiệp cần có khả năng tự đánh giá năng lực, tập trung vào yếu tố con người, chiến lược lãnh đạo và nền tảng công nghệ tương hợp. Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp còn chi phối bởi những chính sách pháp luật điều chỉnh. Nhà nước cần có sự quan tâm sát sao những biến động của thị trường chuyển đổi số, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chinh phục thành công chặng đường số hóa. 

Lệ Xuân 
 

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com