Tự công bố chất lượng sản phẩm

Tự công bố chất lượng sản phẩm
Để các sản phẩm sữa được lưu hành ra thị trường có đầy đủ chứng từ về mặt pháp lý, doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện thủ tục tự công bố chất lượng sản phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thực hiện hoạt động tự công bố trên giúp cho các cơ quan có thẩm quyền có thể nắm bắt và quản lý việc sản phẩm được đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng. Ngoài ra hoạt động này còn khẳng định với người tiêu dùng chất lượng sản phẩm mình chọn mua, tạo sự an tâm khi mua sắm và trải nghiệm, nâng cao tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp chưa có bản công bố khác. Hãy cùng Viện Nghiên Cứu Pháp Luật kinh Tế Doanh Nghiệp tìm hiểu về hoạt động tự công bố chất lượng sản phẩm nhé.

          Theo khoản 3 Điều 12 Luật An toàn thực phẩm 2010, thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường. Đồng thời theo quy định tại Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì tổ chức, các nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Như vậy cần thực hiện tự công bố thực phẩm đối với:

  • Thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn như bánh, kẹo, mì tôm, đồ uống, sữa (sữa tươi, sữa đặc, phô mai,…), thịt hộp, cá hộp, xúc xích…
  • Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm như sữa bột, bột ngũ cốc,…
  • Dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm: ống hút, hộp nhựa, túi zip,…

          Các trường hợp không tự công bố sản phẩm:

  • Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước
  • Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

       (Nguồn: Internet)   

          a. Hồ sơ đăng ký bản tự công bố chất lượng sản phẩm: (khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2018/NĐ-CP)

  • Bản tự công bố sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP
  • Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực) 

          b. Trình tự thực hiện việc tự công bố sản phẩm (khoản 2 Điều 5 Nghị định 15/2018/NĐ-CP):

  • Tổ chức, cá nhân thực hiện việc tự công bố sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm. Trong trường hợp nếu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa có Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì nộp 01 (một) bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chỉ định để lưu trữ hồ sơ trung thu tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận. Trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó
  • Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó;

          Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 (hai) cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó.

          Lưu ý: Đối với các tài liệu trong hồ sơ tự công bố sản phẩm cần phải được thể hiện bằng tiếng Việt, trong trường hợp hồ sơ có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt, được công chứng và đặc biệt tài liệu chưa hết hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm.

          Trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải công bố lại sản phẩm. Các thay đổi khác có thể thông báo bằng văn bản gửi lên cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

          c. Cơ quan nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm

  • Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh nơi doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh.
  • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế nơi doanh nghiệp kinh doanh ở huyện/tỉnh thành khác.

          Vấn đề pháp lý: 

  • Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 do Quốc Hội ban hành;
  • Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm ngày 02 tháng 02 năm 2018;
  • Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế ngày 12 tháng 11 năm 2018.

Quỳnh Trang

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com