Tỷ lệ sở hữu cổ phần
Tỷ lệ sở hữu cổ phần là tỷ lệ phần trăm vốn góp của từng cổ đông trên tổng số vốn điều lệ công ty. Pháp luật doanh nghiệp không quy định tỷ lệ bắt buộc cho từng cổ đông, vì vậy tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông sẽ khác nhau.
Khi thực hiện góp vốn, mua cổ phần vào công ty, cổ đông sẽ được ghi nhận tỷ lệ sở hữu cổ phần tại sổ đăng ký cổ đông. Tỷ lệ phần trăm cổ phần là căn cứ để xác định trách nhiệm, quyền và nghĩa vị của các cổ đông.
Quyền phủ quyết là gì? Quyền lợi về quyền phủ quyết của cổ đông, nhóm cổ đông nắm giữ 36% cổ phần
Theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022 có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2022, thì nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) được thông qua khi số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tán thành tại cuộc họp với các nội dung như sau:
- Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
- Thay đổi ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh;
- Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
- Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ, giá trị khác do Điều lệ công ty quy định;
- Tổ chức lại, giải thể công ty;
- Vấn đề khác được quy định trong Điều lệ công ty.
Theo quy định trên, nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua khi có từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tán thành tại cuộc họp. Điều này gián tiếp tạo ra quyền cho cổ đông, nhóm cổ đông nắm giữ 36% cổ phần phủ quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
Theo đó, các nghị quyết của ĐHĐCĐ không thể thông qua nếu không có sự đồng thuận của cổ đông hay nhóm cổ đông sở hữu 36% cổ phần. Vì khi thực hiện việc phủ quyết, số phiếu biểu quyết tán thành chỉ đạt 64% và không đủ điều kiện để thông qua nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 nhằm đảm bảo quyền lợi của những cổ đông sở hữu lượng cổ phần nhỏ, yếu thế trong việc quyết định các vấn đề lớn của công ty. Tuy nhiên, quyền phủ quyết có thể dẫn đến sự ‘độc quyền’ chi phối trong công ty cổ phần, gây ảnh hưởng đến định hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cơ sở pháp lý:
- Khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Khoản 5 Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022.