Theo Báo điện tử VTV đưa tin, sản phẩm sữa Yarmy có nhiều dấu hiệu bất thường trong chất lượng cũng như quảng cáo. Cụ thể trong khâu sản xuất, khách ra vào không cần bảo hộ lao động, không khẩu trang. Trang thiết bị hiện đại cần tới cả giẻ lau, thậm chí nhân viên mặc cả quần đùi nhảy nhót trong khu vực sản xuất.
"Nhân viên không nghiêm túc, mặc quần đùi lại đi cả giày đi ngoài đường đi vào chứ không phải giày dép bảo hộ trong quá trình sản xuất. Tóc thì đội mũ nhưng lại xõa ra. Vì trong quá trình sản xuất thực phẩm quan trọng là không được rơi bất cứ vật gì lạ vào sản phẩm, ví dụ như tóc, buộc phải có mũ đội tóc gọn gàng. Vấn đề sản phẩm thực phẩm, nhất là sữa phải yêu cầu nghiêm ngặt về chế độ vô trùng", ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nhận định (Trích “Những dấu hiệu bất thường từ sữa tăng cân Yarmy Milk” – Báo điện tử VTV).
(Nguồn: Internet)
Điều đáng nói là dù có nhiều điểm bất thường nhưng sữa tăng cân này vẫn được livestream một cách rầm rộ, giảm giá liên tục. Rất nhiều người tiêu dùng đã phản ánh sữa chất lượng kém, uống vào sụt cân, đau bụng, tiêu chảy phải đi nhập viện.
Vậy việc công ty sản xuất sữa Yarmy có thật sự sản xuất sản phẩm trong điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong khi nhân viên trực tiếp sản xuất không có các thiết bị bảo hộ đảm bảo an toàn thực phẩm? Quy định của pháp luật về vấn đề bảo hộ lao động trong sản xuất sữa chế biến như thế nào? Hãy cùng Viện Nghiên Cứu Pháp Luật Kinh Tế Doanh Nghiệp tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Căn cứ quy định tại Thông tư 54/2014/TT-BCT quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa chế biến, trong đó có quy định các điều kiện bảo hộ lao động đối người trực tiếp sản xuất và khách tham quan cơ sở sản xuất. Theo đó, cơ sở sản xuất sữa cầm phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện sau:
1. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực do các cơ quan, đơn vị có chức năng được cơ quan có thẩm quyền chỉ định thực hiện.
Căn cứ khoản 3 Điều 1 Thông tư 13/2020/TT-BCT, khoản 2 Điều 4 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Quyết định số 970/QĐ-BNN-QLCL đã bãi bỏ việc tổ chức thi và cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Chủ cơ sở sẽ tổ chức lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) cho người sản xuất thực phẩm. Chủ cơ sở chịu trách nhiệm với kết quả tập huấn kiến thức ATTP do mình xác nhận. Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc 3 bộ (Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp Và Phát triển Nông thôn) không thực hiện việc xác nhận kiến thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm. Việc đào tạo kiến thức về an toàn thực phẩm vô cùng cần thiết, giúp người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm có những kiến thức cơ bản, những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp họ chủ động phòng tránh để đảm bảo an toàn trong quá trình chế biến thực phẩm.
2. Chủ cơ sở phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất theo định kỳ ít nhất 01 (một) lần trong 01 (một) năm tại các cơ sở y tế cấp quận hoặc huyện trở lên. Hồ sơ theo dõi sức khỏe của các cá nhân được lưu giữ đầy đủ tại cơ sở.
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015, quy định “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần”.
Theo đó, người trực tiếp sản xuất, chế biến sữa không thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” nên chủ cơ sở sẽ phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
3. Chỉ tuyển dụng những người có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế đối với những người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm.
Các bệnh người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không được mắc khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ, cụ thể “Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiểu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
4. Người trực tiếp sản xuất khi mắc bệnh phải báo cáo với người có thẩm quyền để bố trí làm việc khác hoặc nghỉ điều trị theo chế độ và chỉ được làm việc trở lại khi có chứng nhận đã khỏi bệnh và có đủ tiêu chuẩn sức khỏe để tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Đối với những người trực tiếp sản xuất thực phẩm, yêu cầu tối thiểu và quan trọng nhất là không mắc các bệnh truyền được qua thực phẩm. Do đó việc kiểm tra sức khỏe xác định mắc bệnh phải được thực hiện trước khi vào làm tại cơ sở và cả trong quá trình sản xuất, nếu người trực tiếp sản xuất mắc các bệnh trên thì phải đưa ra khỏi khu vực sản xuất và điều trị đến khi có giấy chứng nhận khỏi bệnh, đủ tiêu chuẩn sức khỏe mới được trở lại làm việc.
5. Người tham gia sản xuất, chế biến phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh cá nhân, trước khi vào làm việc, thay trang phục bảo hộ lao động phù hợp với vị trí làm việc.
Theo Phụ lục I Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động, danh mục phương tiện bảo vệ cá nhân trang cấp cho người lao động chế biến sữa, thực phẩm tươi, cụ thể là chế biến sữa trâu bò, dê, kiểm nghiệm sữa là:
+ Áo choàng vải trắng;
+ Mũ vải;
+ Ủng cao su;
+ Găng tay cao su mỏng;
+ Khẩu trang lọc bụi;
+ Xà phòng.
6. Khách tham quan cơ sở phải thay trang phục bảo hộ lao động và thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh cá nhân của cơ sở.
Trong dây chuyền sản xuất thực phẩm, nhất là sữa thì đòi hỏi sản xuất trong điều kiện phòng sạch với đủ các yếu tố độ ẩm, ánh sáng, bụi… đều phải kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt. Các vi khuẩn và nấm nếu có bên trong khu vực sản xuất có thể bị đưa đi khắp dây chuyền qua không khí, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Do đó, khách tham quan dây chuyền sản xuất sữa phải đảm bảo mặc đồ bảo hộ lao động: áo choàng vải trắng, mũ đội tóc, giày dép hoặc ủng bảo hộ, đeo găng tay cao su, khẩu trang lọc bụi. Bên cạnh đó khách tham quan phải đảm bảo vệ sinh cá nhân theo quy định của cơ sở sản xuất.
Cơ sở pháp lý:
- Luật an toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 25 tháng 6 năm 2023;
- Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2018;
- Thông tư 54/2014/TT-BCT quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa chế biến do Bộ Công thương ban hành ngày 18 tháng 12 năm 2014;
- Thông tư 13/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2020;
- Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động do Bộ Lao động Thương Binh Xã hội ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2022;
- Quyết định số 970/QĐ-BNN-QLCL về việc công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 08 tháng 3 năm 2021;
Nguồn: Nhóm phóng viên VTV Digital (2023) “Những dấu hiệu bất thường từ sữa tăng cân Yarmy Milk, Báo Điện tử VTV, http://vtv.vn/kinh-te/nhung-dau-hieu-bat-thuong-tu-sua-tang-can-yarmy-milk-20231129103454136.htm, truy cập ngày 24/01/2024.
Quỳnh Trang