Quy định mới trong Luật Đất đai sửa đổi về cơ chế hòa giải tranh chấp đất đai

Quy định mới trong Luật Đất đai sửa đổi về cơ chế hòa giải tranh chấp đất đai
Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất, thu hồi đất, cắt giảm thủ tục hành chính trong quản lý đất đai,… Quy định về hòa giải tranh chấp đất đai cũng là một trong những điểm mới đáng lưu ý giữa Luật Đất đai sửa đổi so với Luật đất đai 2013.

         Ngày 18/01/2024, Dự thảo Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Dự kiến Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ quy định tại Điều 190 và Điều 248 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/4/2024. Trong dự thảo Luật đất đai được thông qua có nhiều điểm mới đáng chú ý như các quyền hợp pháp của người dân, doanh nghiệp về nhận chuyển nhượng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …; chính sách nhằm ổn định tiền thuê đất, nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đối với người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng việc cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; bổ sung cơ chế hòa giải thương mại. 

(Nguồn: Internet)

Hòa giải tranh chấp đất đai là gì?

         Hòa giải tranh chấp đất đai là biện pháp giải quyết tranh chấp về đất đai giữa những người sử dụng đất với nhau hoặc người sử dụng đất với nhà nước để làm hạn chế, chấm dứt các xích mích, mâu thuẫn và đi đến sự thống nhất ý chí bằng việc các bên thương lượng hoặc qua một bên thứ ba trung gian. Luật Đất đai 2013 quy định về Hòa giải tranh chấp tại Chương 13, Điều 202, trong khi đó Luật Đất đai sửa đổi quy định về cơ chế này tại Chương 15 (XV), Điều 235.

         Về cơ chế hòa giải, pháp luật đất đai sửa đổi ghi nhận cơ chế hòa giải thương mại và các cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật, mở rộng thẩm quyền hòa giải cho trọng tài thương mại đối với các tranh chấp hoạt động thương mại liên quan đến đất đai (Khoản 5 Điều 236 Luật Đất đai sửa đổi).

Một số thay đổi đối với thủ tục hòa giải tại cơ sở:

         - Về hình thức: Thủ tục hòa giải tại cơ sở ở Luật Đất đai 2013 được trình bày tại cả Khoản 2, 3, 4 Điều 202, trong khi đó, Luật Đất đai sửa đổi quy định cụ thể chỉ trong Khoản 2 Điều 235.

         - Về nội dung: Đối với các tranh chấp không tự hòa giải được, thì các bên gửi đơn đến UBND xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải trước khi đưa ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Một số thay đổi so với Luật Đất đai 2013 cần chú ý như sau:

  • Thành phần Hội đồng hòa giải: Chủ tịch UBND có trách nhiệm tổ chức hòa giải, cùng lúc phối hợp với UBMTTQ cấp xã đối với Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, Luật Đất đai sửa đổi, nhà làm luật mở rộng đối tượng tham gia Hội đồng hòa giải như Phó chủ tịch UBND xã có thể thay mặt Chủ tịch UBND, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp, ...
  • Thời hạn: Luật Đất đai sửa đổi giảm thời hạn hòa giải tại cơ sở từ 45 ngày xuống 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.
  • Bổ sung trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp. 

        

(Nguồn: Internet)

         Ngoài ra, Luật Đất đai sửa đổi quy định thêm khoản áp dụng luật đối với việc hòa giải các tranh chấp khác nhau về đất đai. Theo đó, tại Khoản 3 Điều 235 Luật Đất đai sửa đổi, hòa giải tranh chấp đất đai thông thường sẽ được thực hiện tại Tòa án có thẩm quyền và theo quy định pháp luật tố tụng dân sự. Đối với tranh chấp từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai sẽ được thực hiện theo pháp luật về hòa giải thương mại. Cụ thể hơn, Khoản 5 và 6 Điều 236 Luật Đất đai sửa đổi quy định:

“5. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.

6. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được Tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai.”

         Luật Đất đai sửa đổi cũng có sự thay đổi về thủ tục đối với trường hợp hòa giải thành các tranh chấp đất đai có thay đổi về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất. Theo đó trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.

         Cuối cùng, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung thêm Khoản 5 quy định địa bàn không có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc UBND cấp huyện. Khi đó Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định tại Điều 236 Luật sửa đổi.

Cơ sở pháp lý: 

  • Luật Đất đai 2013 số 45/2013/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2013;
  • Dự thảo Luật Đất Đai sửa đổi được Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua sáng ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Ngọc Linh

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com