(Nguồn: Báo Công thương)
Thẩm quyền quản lý về an toàn thực phẩm, Luật an toàn thực phẩm 2010 (Luật ATTP) quy định về Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại chương X, Mục I từ Điều 61 đến Điều 65. Quy định về Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các cơ quan như: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các cấp. Cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, bao gồm:
- Trách nhiệm của Bộ Y tế:
- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;
- Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và mức giới hạn an toàn đối với thực phẩm, dụng cụ, bao bì đóng gói;
- Quy định chung bảo đảm an toàn thực phẩm;
- Chủ trì tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm;
- Thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác khi cần thiết;
- Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến,...
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói theo sự phân công;
- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các hành vi thuộc lĩnh vực được phân công.
- Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản… đối với sữa tươi nguyên liệu;
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói theo sự phân công;
- Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
- Trách nhiệm của Bộ Công thương:
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản… đối với sữa chế biến;
- Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói … theo sự phân công;
- Chủ trì việc chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong kinh doanh, lưu thông thực phẩm;
- Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm thuộc lĩnh vực được phân công.
(Nguồn: Tạp chí Luật sư)
Về thẩm quyền chung về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2008 (Luật CLSPHH) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước tại Điều 68, 69 và 70. Theo đó, thẩm quyền quản lý chung về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quy định như sau: Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an toàn đối với thực phẩm.
- Bộ Khoa học và công nghệ:
- Quản lý chung về chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất;
- Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
- Thanh tra, giải quyết khiếu nại có liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa.
- Bộ Y tế: Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an toàn.
Bên cạnh trách nhiệm quản lý chung, pháp luật quy định cho các cơ quan về trách nhiệm riêng biệt đối với từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau.
+ Thẩm quyền trong các thủ tục công bố
Để các sản phẩm thực phẩm, sữa được lưu hành ra thị trường có đầy đủ chứng từ về mặt pháp lý, doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện thủ tục tự công bố chất lượng sản phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thực hiện hoạt động tự công bố trên giúp cho các cơ quan có thẩm quyền có thể nắm bắt và quản lý việc sản phẩm được đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng. Ngoài ra hoạt động này còn khẳng định với người tiêu dùng chất lượng sản phẩm mình chọn mua, tạo sự an tâm khi mua sắm và trải nghiệm, nâng cao tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp chưa có bản công bố khác.
Theo Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Như vậy cần thực hiện tự công bố thực phẩm đối với:
- Thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn như bánh, kẹo, mì tôm, đồ uống, sữa (sữa tươi, sữa đặc, phô mai,…), thịt hộp, cá hộp, xúc xích…;
- Phụ gia thực phẩm;
- Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
- Dụng cụ chứa đựng thực phẩm;
- Vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm: ống hút, hộp nhựa, túi zip,…
Bên cạnh những sản phẩm sữa phổ biến có thể tự công bố trên trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, có một số loại sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng mà quy trình kiểm nghiệm yêu cầu sự nghiêm ngặt hơn, thủ tục công bố sản phẩm cũng cần tuân thủ theo quy định pháp luật về đăng ký bản công bố sản phẩm thay vì tự công bố như những sản phẩm sữa thông dụng. Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; nhóm sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi và nhóm phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực này cần đăng ký bản công bố sản phẩm đến cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền nhận hồ sơ tự công bố và công nhận đăng ký bản công bố là Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh nơi doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hay Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế nơi doanh nghiệp kinh doanh ở huyện/tỉnh thành khác.
Kẽ hở trong quy định tự công bố sản phẩm
Như vậy, đối với sản phẩm sữa thông thường, doanh nghiệp, cá nhân tổ chức sản xuất kinh doanh tự tiến hành thủ tục tự công bố nhằm công khai thông tin về sản phẩm, hàng hóa của mình đến người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng nghĩa với việc tự công bố sản phẩm đòi hỏi tổ chức, cá nhân phải tự thực hiện quy trình kiểm tra, đánh giá và đảm bảo rằng sản phẩm của họ tuân thủ các quy định về an toàn, chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật áp dụng. Tuy nhiên, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng công bố trung thực, thậm chí có nơi còn làm giả. Điều này dẫn đến lỗ hổng khá lớn trong vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng cũng không ngoại lệ.
Việc doanh nghiệp “công bố một đằng, sản xuất một nẻo” đã xảy ra và đã bị cơ quan chức năng xử lý. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh, trong đó có không ít cơ sở sai phạm về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cố tình sử dụng các công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm giả để đánh lừa cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho phép hơn 90% loại sản phẩm doanh nghiệp được tự công bố chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó. Từ đó, việc kiểm tra của cơ quan chức năng cũng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Từ kết quả tự công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước về An toàn thực phẩm sẽ tiến hành hậu kiểm, tức là lấy mẫu sản phẩm lưu thông trên thị trường để phân tích xem kết quả, bản công bố đó có bảo đảm đúng quy định, an toàn cho người sử dụng hay không. Việc hậu kiểm này phụ thuộc nhiều vào kết quả của các phương pháp kiểm nghiệm, nếu kết quả kiểm nghiệm chính xác sẽ giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra quyết định xử lý vi phạm chính xác và ngược lại. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị cần thiết, thiếu kinh phí, nên hoạt động hậu kiểm của cơ quan quản lý chỉ đáp ứng một phần yêu cầu, chưa sát thực tế, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực bị hạn chế, nhất là trong bối cảnh lượng sản phẩm công bố quá lớn và ngày càng phong phú. Từ việc bị hạn chế này cũng dẫn đến một số khó khăn nhất định trong việc kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ quan quản lý. Cần tăng cường công tác hậu kiểm chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
- Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 06 năm 2010;
- Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 2 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
BTV: Hạ Thảo - Ngọc Linh