Căn cứ Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Đối với cơ quan nhà nước và chủ thể khác
Cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định pháp luật doanh nghiệp; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Pháp luật ghi nhận quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, cơ quan nhà nước không được cản trở người thành lập doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh của họ.
Ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Tất cả các hành vi thể hiện sự ngăn cản việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông trong công ty đều bị nghiêm cấm.
(Nguồn: Internet)
2. Đối với Doanh nghiệp
Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký; tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh.
Các doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký kinh doanh để được cơ quan nhà nước ghi nhận về mặt pháp lý sự ra đời của chủ thể kinh doanh.
Khi một doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong kinh doanh, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị tạm dừng hoạt động kinh doanh. Điều này nhằm bảo đảm hoạt động kinh tế, quyền và lợi ích của các bên cho đến khi có quyết định từ cơ quan nhà nước.
Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nếu phát hiện thông tin đã kê khai thiếu chính xác hoặc chưa đầy đủ phải thực hiện sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Luật Doanh nghiệp hiện hành không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu và tối đa cho từng doanh nghiệp, trừ những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề phải tuân thủ vốn pháp định tối thiểu như: ngân hàng, bảo hiểm, … Do đó, một số doanh nghiệp lợi dụng quy định này khai khống vốn điều lệ nhằm tạo niềm tin cho đối tác, nhưng sẽ mang đến những rủi ro cao nếu doanh nghiệp kinh doanh thất bại.
Theo quy tại các khoản 2 Điều 47, khoản 2 Điều 75 và khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, các thành viên hoặc cổ đông phải thanh toán đủ số vốn đã cam kết góp vào công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu sau thời gian này, doanh nghiệp không góp đủ số vốn thì phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ đúng với số vốn thực góp.
Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.
Những ngành, nghề này chịu sự ràng buộc của pháp luật nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến nền chính trị, kinh tế, xã hội.
Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định 08 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV được ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020.
Có 25 ngành, nghề hạn chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Mục A Phụ lục 1 kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Lừa đảo là hành vi nhằm làm người khác tin tưởng vào doanh nghiệp với mục đích vụ lợi.
Rửa tiền là hành vi hợp thức hóa những khoản tiền hoặc tài sản có thu được từ các hành vi phạm tội.
Tài trợ khủng bố là việc hỗ trợ tài chính cho các cá nhân hoặc tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thực hiện việc khủng bố.
Tùy từng trường hợp, các hành vi này gây ảnh hưởng đến các đối tác, khách hàng ở mức độ nhẹ hoặc nặng hơn là ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế - xã hội.
Cơ sở pháp lý:
- Khoản 3 Điều 8 và Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020;
- Điều 6, 7, 8 và 9 Luật Đầu tư 2020;
- Mục A Phụ lục 1 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Tuyết Mai