Trong thời gian vừa qua, vào ngày 05/01/2024 Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hóa là sản phẩm mật ong của 4 doanh nghiệp gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Ong Hòa Bình và Công ty trách nhiệm hữu hạn Ong Việt; Công ty trách nhiệm hữu hạn Ong Việt Nhật; Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại và Dịch vụ Tuấn Phương một thành viên. Kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm cho thấy: Hàng hóa là mật ong có chất lượng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa theo quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12605:2019 Mật ong. Cục Quản lý thị trường đã tiến hành tạm giữ 11.099 chai mật ong, giá trị hàng hóa gần 300 triệu đồng của 4 doanh nghiệp nói trên vì có dấu hiệu là hàng giả. (Trích bài báo: ‘Vĩnh Phúc phát hiện nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì’ của báo Nhân Dân).
(Nguồn: Internet)
1. Hàng kém chất lượng là gì?
Hàng kém chất lượng có rất nhiều loại khác nhau và trên thị trường cũng có rất nhiều định nghĩa về hàng kém chất lượng. Pháp luật Việt Nam cũng có liệt kê những loại hàng hóa được coi là kém chất lượng trong mục IV Thông tư liên tịch 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT:
- Hàng hoá có giá trị sử dụng, công dụng nhưng các chỉ tiêu, thành phần cấu tạo về chất lượng chưa đầy đủ như công bố trên nhãn hàng hoá hoặc quảng cáo, tiếp thị nhưng không gây hại đến sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
- Hàng hoá có một trong các chỉ tiêu chất lượng thuộc danh mục bắt buộc áp dụng thấp hơn mức chất lượng tối thiểu đã công bố, nhưng không gây hại đến sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
- Hàng hoá có chất lượng thực tế thấp hơn mức ghi trên nhãn hàng hoá hoặc quảng cáo công bố nhưng không gây hại đối với sản xuất, sức khỏe người, động vật, thực vật.
- Hàng hoá cũ tân trang, sửa chữa lại rồi giả mạo hàng mới để lừa dối khách hàng , bán theo đơn giá cửa hàng mới.
- Hàng hoá đã bị đưa thêm tạp chất hoặc các nguyên liệu khác làm thay đổi định lượng của hàng hoá, nhưng không gây hại đối với sản xuất, sức khoẻ người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường.
(Nguồn: Internet)
2. Quyền của người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng
Căn cứ khoản 6 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.”.
Theo đó, người tiêu dùng khi mua phải hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo đúng chất lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác với những thông tin đã công bố hay quảng cáo thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Người tiêu dùng còn có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
3. Thủ tục khiếu nại, khởi kiện về hàng hóa kém chất lượng
a. Khiếu nại
Khi mua hoặc phát hiện hàng hóa kém chất lượng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khiếu nại tới Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương) bằng hai cách: gọi điện trực tiếp qua đầu số miễn phí 1800.6838 của Cục hoặc gửi phản ánh trực tiếp qua Website: http://www.bvntd.gov.vn/khieu-nai/.
b. Khởi kiện
- Hồ sơ khởi kiện
Việc khởi kiện đòi bồi thường khi người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng được pháp luật coi như mà một vụ việc đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vậy nên, thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự trên thuộc về tòa án. Để khởi kiện cá nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh hàng kém chất lượng, người tiêu dùng sẽ phải khởi kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015). Theo đó, người tiêu dùng nộp hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hồ sơ gồm có:
- Đơn khởi kiện trong đó ghi rõ hành vi vi phạm của người có hành vi gây thiệt hại. Đồng thời, nêu rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình;
- Các tài liệu liên quan đến việc mua bán sản phẩm, hàng hoá của mình: Hoá đơn mua bán hàng hoá, phiếu thu tiền, chuyển khoản … về việc mua bán hàng hoá;
- Tài liệu chứng minh thiệt hại và sản phẩm là hàng kém chất lượng: Hình ảnh hoặc video mô tả chi tiết sản phẩm kém chất lượng; phiếu khám hoặc chẩn đoán của bệnh viện, cơ sở y tế cùng đơn thuốc, viện phí… nếu hàng hoá ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình; hoá đơn sửa chữa … nếu cần phải đi sửa lại hàng hoá …;
- Giấy tờ chứng minh nhân thân: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy xác nhận cư trú …
(Nguồn: Internet)
- Thẩm quyền giải quyết
Thẩm quyền theo cấp: Điều 35 và 37 BLTTDS 2015 thì thâm quyền theo cấp xét xử được quy định như sau:
- Tòa án nhân dân cấp huyện: có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ việc đòi bồi thường thiệt hại do mua phải hàng hóa kém chất lượng.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh: trong trường hợp Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện thì thẩm quyền xét xử sơ thẩm sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Thẩm quyền theo lãnh thổ: điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS thì người tiêu dùng nộp hồ sơ tại Tòa án nơi cư trú của người bán hoặc nơi đặt trụ sở của cơ quan, tổ chức gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Như vậy, người tiêu dùng khi mua phải hàng hóa kém chất lượng mà muốn khởi kiện đòi bồi thường thì sẽ nộp hồ sơ khởi kiện lên tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người bán hay nơi đặt trụ sở của cơ quan tổ chức sản xuất, kinh doanh loại hàng hóa kém chất lượng đó.
- Thời hạn giải quyết
Khi nhận được hồ sơ khởi kiện, nếu tòa án xét thấy đã đúng thẩm quyền thì tòa án sẽ thụ lý vụ án. Tòa án sẽ thông báo cho người khởi kiện để làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho tòa án trong thời hạn 07 ngày.
Kể từ ngày thụ lý vụ án, tòa án sẽ liên hệ cho các bên có liên quan đến việc giải quyết vụ án trong vòng 03 ngày.
Thời hạn xét xử của vụ án bồi thường thiệt hại thường sẽ là 04 tháng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015 số 92/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015;
- Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 số 59/2010/QH12 do Quốc hội ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2010;
- Thông tư liên tịch 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT của Bộ Thương mại - Bộ tài chính - Bộ Công an - Bộ Khoa học công nghệ và môi trường về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả ban hành ngày 27 tháng 4 năm 2000.
Nguồn:
- Hà Hồng Hà: “Vĩnh Phúc phát hiện nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì”, Báo Nhân dân, http://Vĩnh Phúc phát hiện nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì (nhandan.vn)
- Số điện thoại miễn phí toàn quốc của Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương): 1800.6838
- Website khiếu nại của Bộ Công Thương: http://www.bvntd.gov.vn/khieu-nai/
Quang Anh