Kinh doanh không đúng ngành nghề bị xử phạt ra sao?

Kinh doanh không đúng ngành nghề bị xử phạt ra sao?
Việc bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh đã đăng ký là nhu cầu thường thấy của các doanh nghiệp. Do đó, kinh doanh không đúng ngành nghề bị xử phạt ra sao là một trong những vấn đề phổ biến khi doanh nghiệp có sự điều chỉnh trong ngành nghề kinh doanh. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề này cũng như cung cấp những kiến thức pháp lý khác có liên quan đến ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Kinh doanh không đúng ngành nghề có vi phạm pháp luật không?

         Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào mà pháp luật không cấm (Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020) và không có bất kỳ quy định nào về xử phạt hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

         Tuy nhiên, doanh nghiệp có nghĩa vụ:

  1. Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định (khoản 2 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020);
  2. Doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh (khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020).

         Từ những quy định trên, có thể thấy kinh doanh không đúng ngành, nghề kinh doanh không được xem là hành vi vi phạm pháp luật nhưng việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh không thông báo là hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt theo quy định.

Xử phạt hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề

         Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề không phải là hành vi vi phạm và không bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong trường hợp có thay đổi ngành nghề nhưng không thông báo theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 01 ngày đến 10 ngày.
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 11 ngày đến 30 ngày.
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 31 ngày đến 90 ngày.
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 91 ngày trở lên.
  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Hướng xử lý khi kinh doanh không đúng ngành nghề

         Trường hợp kinh doanh không đúng ngành nghề, có nghĩa là đang có thay đổi trong ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, căn cứ khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Thủ tục thực hiện như sau:

Hồ sơ chuẩn bị

         Thành phần hồ sơ gồm có:

  1. Thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật (theo mẫu Phụ lục II-1 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT) (*)
  2. Quyết định/Nghị quyết của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/Chủ sở hữu công ty về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh;
  3. Bản sao Biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/Chủ sở hữu công ty;
  4. Giấy ủy quyền trong trường hợp người nộp hồ sơ là người được ủy quyền; Bản sao y Giấy tờ pháp lý cá nhân của người nộp hồ sơ.

         Trình tự thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp có trụ sở.

Bước 3: Cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cập nhật thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

Bước 4: Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

CSPL: Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 33, Điều 56 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

         Như vậy, có thể thấy rằng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề nhưng không có thông báo có thể khiến doanh nghiệp bị xử phạt hành chính. Vì thế để hạn chế tình trạng trên, doanh nghiệp cần chú ý thực hiện thay đổi đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đúng thời hạn.

Cơ sở pháp lý:

- Luật doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 do Quốc hội ban hành;

- Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;

- Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp;

- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

(*) Mẫu kèm theo: https://csdl.dichvucong.gov.vn/web/jsp/download_file.jsp?ma=3fc8e268869c8478

Lê Minh

 

 

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com