Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP thì kinh doanh theo phương thức đa cấp được hiểu là hoạt động phân phối hàng hoá sử dụng mạng lưới người tham gia, được chia thành nhiều cấp bậc và nhiều nhánh hoạt động khác nhau. Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và những người khác trong mạng lưới của mình.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp hoạt động với hình thức kinh doanh đa cấp thì phải tuân thủ các điều kiện và điều cấm của mô hình này thì mới được công nhận.
Đối tượng được kinh doanh theo mô hình đa cấp
Căn cứ tại Điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng được kinh doanh theo mô hình đa cấp như sau:
“1. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp:
a) Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm;
b) Sản phẩm nội dung thông tin số.”
Vậy doanh nghiệp chỉ được giao dịch bán hàng với các đối tượng hàng hoá mà không phải là hàng hoá là thuốc, trang thiết bị y tế, các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm và sản phẩm nội dung thông tin số như: giáo trình điện tử, bài giảng điện tử, tài liệu học tập dưới dạng điện tử và các sản phẩm được quy định tại Danh mục sản phẩm nội dung thông tin số (Ban hành kèm theo Thông tư số 43/2016/TT-BTTTT).
Những hành vi doanh nghiệp bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp
Doanh nghiệp cần lưu ý tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP để tránh các điều cấm khi hoạt động với mô hình kinh doanh đa cấp.
Ví dụ một số điều cấm như sau:
- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;
- Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; … và các điều cấm khác được quy định.
Trên thực tế, các ví dụ được nhắc tới ở trên được thực hiện rất nhiều bởi các tổ chức kinh doanh đa cấp bất chính hay gọi là “hình tháp ảo”. Số lượng “nạn nhân” của đa cấp bất chính rất lớn và từ đủ mọi độ tuổi và ngành nghề với những lời hứa hẹn về tiền thưởng, hoa hồng và một tương lai không có thật. Từ đó, kinh doanh đa cấp luôn bị gắn mác lừa đảo người lao động. Tại Việt Nam số lượng công ty hoạt động theo hình thức đa cấp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đa cấp là không nhiều nên người lao động cần tìm hiểu kỹ trước khi tham gia làm việc với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh với mô hình đa cấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có ý tưởng hoạt động kinh doanh với mô hình đa cấp cũng phải tìm hiểu kỹ trước khi hoạt động để tránh vi phạm pháp luật.
Cơ sở pháp lý:
- Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- Thông tư 43/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 về ban hành danh mục sản phẩm nội dung thông tin số.
Mỹ Ngọc