Doanh nghiệp nên chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại hay Tòa án?

Doanh nghiệp nên chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại hay Tòa án?
Hoạt động thương mại luôn tiềm ẩn sự mâu thuẫn trong quá trình mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Bên cạnh việc quản lý và phòng ngừa rủi ro ngay từ giai đoạn đàm phán và soạn thảo hợp đồng, các bên cần chủ động đưa ra quyết định phù hợp trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Tranh chấp thương mại được hiểu là những bất đồng và có sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể có liên quan tới lĩnh vực hợp đồng thương mại hoặc các hoạt động kinh tế khác. Các bên có tranh chấp thương mại là khi có quan hệ hợp đồng thương mại tồn tại ở giữa. Chủ thể của các bên tranh chấp hợp đồng thương mại chủ yếu là các thương nhân hoặc ít nhất có một bên là thương nhân. Trong đó, có sự vi phạm nghĩa vụ của một bên làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên kia. Giữa các bên có sự bất đồng về quan điểm về sự vi phạm hoặc về việc xử lý hậu quả phát sinh từ việc vi phạm. Có yếu tố tài sản gắn liền với lợi ích của các bên và phát sinh tranh chấp từ hợp đồng

     Trong các hình thức giải quyết tranh chấp thì giải quyết bằng phương thức trọng tài thương mại hoặc Toà án là có ràng buộc pháp lý cao nhất. Khi không đạt được sự thống nhất sau khi có xung đột giữa các bên doanh nghiệp bắt buộc phải chọn một trong hai phương án để đưa về mục đích chung là giải quyết tranh chấp. 

1. Giải quyết bằng trọng tài thương mại 

     Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này. (Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng Tài Thương Mại năm 2010) 

     Trọng tài là tổ chức tài phán độc lập do các trọng tài viên thành lập nhằm giải quyết các phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Trọng tài được tạo từ các phát sinh tranh chấp nhưng hoàn toàn độc lập với các bên tranh chấp, đứng ở giữa để giải quyết tranh chấp. Phán quyết của Trọng tài thương mại có tính tài phán của cơ quan có thẩm quyền nhưng không mang tính quyền lực Nhà nước, không đại diện cho ý chí của Nhà nước mà đại diện cho ý chí của các bên. 

     Giải quyết bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba làm trung gian do các bên chọn sẽ đưa ra một quyết định sau khi hai bên đã có cơ hội bình đẳng để trình bày các vấn đề liên quan đến tranh chấp. Nếu quá trình trọng tài bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công bằng thì quyết định của trọng tài viên có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên.

Ưu điểm của giải quyết bằng trọng tài thương mại

- Tính chung thẩm và hiệu lực của quyết định của trọng tài đối với việc giải quyết tranh chấp (không có kháng cáo, kháng nghị).

- Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp bí mật.

- Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp liên tục.

- Trọng tài là một cơ chế giải quyết mềm dẻo, nhanh chóng, linh hoạt cho các bên. 

- Tiết kiệm thời gian.

- Duy trì quan hệ đối tác.

- Trọng tài cho phép các bên được sử dụng kinh nghiệm của chuyên gia.

- Mặc dù trọng tài là một tổ chức phi chính phủ nhưng được hỗ trợ và đảm bảo ràng buộc pháp lý.

Nhược điểm của giải quyết bằng trọng tài thương mại

- Chi phí trọng tài cao hơn Tòa án.

- Các bên bắt buộc phải có thoả thuận trọng tài có hiệu lực và có thể thực hiện được.

- Sự thành công trong việc giải quyết bằng trọng tài phụ thuộc vào thái độ cũng như sự hợp tác của các bên tranh chấp.

- Tính cưỡng chế thi hành của trọng tài không cao bằng Tòa án.

2. Giải quyết bằng Tòa án 

     Toà án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân giành quyền lực Nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án hay quyết định của Tòa án về vụ tranh chấp nếu không có sự tự nguyện tuân thủ sẽ được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước… 

     Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án là một phương thức mang ý chí quyền lực Nhà nước. Cơ quan tài phán Nhà nước có quyền nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành.

Ưu điểm của giải quyết bằng Tòa án

- Chi phí để giải quyết một tranh chấp thương mại thông qua Tòa án sẽ thấp hơn so với trọng tài.

- Trình tự tố tụng chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

- Bản án, quyết định của Tòa án được bảo đảm thi hành bằng sự cưỡng chế của Nhà nước.

- Đương sự có thể kháng cáo, yêu cầu Tòa án xét xử lại, nếu thấy phán quyết của Tòa án không thỏa đáng.

- Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án.

Nhược điểm của giải quyết bằng Tòa án

- Vì thủ tục tố tụng chặt chẽ nên có thể trở thành sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt.

- Khi phán quyết của Toà án bị kháng cáo thì quá trình tố tụng bị kéo dài và trì hoãn; có thể phải qua nhiều cấp xét xử ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.

- Nguyên tắc xét xử công khai nên khó bảo đảm các bí mật doanh nghiệp, có thể ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp.

- Quyền tự định đoạt bị hạn chế so với giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.

3. Kết luận chung 

     Các hoạt động thương mại ngày càng sôi động và phát triển đa dạng, các tranh chấp từ hợp đồng thương mại cũng trở nên hiển nhiên và được giải quyết bằng nhiều phương thức khác nhau. Để trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp nên chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại hay Toà án còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của doanh nghiệp và tính chất thực tế của vụ việc cùng với ý chí của các bên để đưa ra một quyết định tốt nhất. 

 

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com