Đăng ký bản công bố sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em đến 36 tháng tuổi

Đăng ký bản công bố sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em đến 36 tháng tuổi
Bên cạnh những sản phẩm sữa phổ biến có thể tự công bố trên trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, có một số loại sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng mà quy trình kiểm nghiệm yêu cầu sự nghiêm ngặt hơn, thủ tục công bố sản phẩm cũng cần tuân thủ theo quy định pháp luật về đăng ký bản công bố sản phẩm thay vì tự công bố như những sản phẩm sữa thông dụng.

       Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đối với sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực này cần đăng ký bản công bố sản phẩm đến cơ quan có thẩm quyền. Đây là lứa tuổi nhạy cảm với các tác động từ môi trường, do đó sản phẩm hỗ trợ sự phát triển cho trẻ trong giai đoạn này cũng cần được đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt. 

       Theo TCVN 11216:2015 về thuật ngữ và định nghĩa về sữa và sản phẩm sữa, mục 2.14 quy định về thức ăn công thức từ sữa dành cho trẻ sơ sinh và trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi như sau: “2.14.1. Thức ăn công thức dành cho trẻ sơ sinh (infant formula).

Thức ăn công thức dành cho trẻ đến 12 tháng tuổi.

Sản phẩm được chế biến từ sữa bò hoặc sữa của loài động vật khác hoặc hỗn hợp của chúng và/hoặc các thành phần khác đã được chứng minh là thích hợp để làm thức ăn cho trẻ sơ sinh.

2.14.2. Thức ăn dành cho trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi (foods intended for use for children from 6 months up to 36 months of age).

Sản phẩm được chế biến từ sữa bò hoặc sữa của loài động vật khác và/hoặc từ các thành phần có nguồn gốc từ động vật và/hoặc thực vật khác phù hợp cho trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi.”

       Nhìn chung, có thể thấy các sản phẩm dinh dưỡng này có thể thay thế hoặc hỗ trợ sữa mẹ trong giai đoạn 06 tháng đầu, các loại sữa bột và những loại sản phẩm khác dùng cho bữa phụ bên cạnh các bữa ăn chính nhằm bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ em những năm đầu đời như sữa chua, váng sữa,... đặc thù cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. 

       Như vậy, khi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, tổ chức, cá nhân phải đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Hồ sơ, thủ tục đăng ký bản công bố được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định 15/2018/NĐ-CP. 

     Theo đó, hồ sơ đăng ký đối với sản phẩm nhập khẩu gồm:

   -    Bản công bố sản phẩm được quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP;

   -    Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale) hoặc Giấy chứng nhận xuất khẩu (Certificate of Exportation) hoặc Giấy chứng nhận y tế (Health Certificate) của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ/xuất khẩu cấp có nội dung bảo đảm an toàn cho người sử dụng hoặc được bán tự do tại thị trường của nước sản xuất/xuất khẩu (hợp pháp hóa lãnh sự);

   -    Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng do phòng kiểm nghiệm được chỉ định cấp (bản chính hoặc bản sao chứng thực);

   -    Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

   -    Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

     Đối với sản phẩm sản xuất trong nước:

   -    Bản công bố sản phẩm được quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP;

   -    Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định (bản chính hoặc bản sao chứng thực);

   -    Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

   -    Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trường hợp cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).

     Quy trình đăng ký hồ sơ được Nghị định 15/2018/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

   -    Nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định. Đối với sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, hồ sơ được nộp lên cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định;

   -    Thời gian thẩm định hồ sơ đối với sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi là 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm. 

   -    Cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý nếu không đồng ý với hồ sơ đăng ký hoặc có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ và ra văn bản trả lời. Sau 90 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.

   -    Trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải công bố lại sản phẩm. 

   -    Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

     Cơ sở pháp lý:

   -    Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Mẫu bản công bố sản phẩm: 

https://vienphapluatkinhtedoanhnghiep.vn/upload/elfinder/M%E1%BA%ABu%20b%E1%BA%A3n%20c%C3%B4ng%20b%E1%BB%91%20s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m.doc

                                                                                                                             Ngọc Linh

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com