Cận Tết là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, tình hình buôn lậu từ đây cũng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi hơn. Nhiều thương lái bất chấp sai phạm, vì lợi nhuận tham gia buôn lậu nhằm tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa để tiêu thụ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng chạy theo lợi nhuận mà đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng.
Nguồn: VnEconomy - Vũ Khuê
Trước tình hình đó, cơ quan quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh đã tiến hành triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường. Tập trung kiểm tra chặt chẽ chất lượng, nhãn mác, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn dịp Tết như: Bánh mứt kẹo, nước giải khát, quần áo, giày dép, thực phẩm, rượu, bia… nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Công tác kiểm tra hàng hóa được tập trung tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống, các tuyến phố buôn bán sầm uất, đại lý phân phối… đồng thời chú trọng kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến …
Cơ quan QLTT có thẩm quyền kiểm tra trong những phạm vi nào?
Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định về vị trí, chức năng, tổ chức; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng QLTT…, phạm vi kiểm tra tại Điều 17 bao gồm:
“1. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường.
Trong quá trình kiểm tra hàng hóa, nếu phát hiện có vi phạm thì lực lượng Quản lý thị trường được quyền thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hóa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương.
3. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng Quản lý thị trường được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.”
Hình thức kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường
Căn cứ Điều 18 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định cơ quan QLTT sẽ kiểm tra theo các hình thức sau:
- Kiểm tra định kỳ.
- Kiểm tra chuyên đề.
- Kiểm tra đột xuất.
Căn cứ ban hành quyết định kiểm tra được quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh như sau:
- Kiểm tra định kỳ và kiểm tra chuyên đề sẽ được tiến hành theo kế hoạch và tối đa một lần trong một năm về cùng nội dung đối với một đối tượng kiểm tra. Kế hoạch kiểm tra định kỳ và chuyên đề sẽ thông báo trước cho đối tượng được kiểm tra.
- Đối với kiểm tra đột xuất, sẽ được tiến hành khi có một trong những căn cứ sau:
- Có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được thẩm tra, xác minh, bao gồm: từ phương tiện thông tin đại chúng; từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc tin báo của tổ chức, cá nhân; từ đơn yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân;
- Có đề xuất kiểm tra của công chức đang thi hành công vụ;
- Có yêu cầu kiểm tra bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, nếu người tiêu dùng phát hiện cửa hàng bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng, cần báo ngay cho Cục QLTT tỉnh hoặc Đội QLTT các huyện, thị xã, thành phố nơi gần nhất để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Cơ sở pháp lý: Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13.
Ngọc Linh