Bảo vệ người tiêu dùng trong việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử

Bảo vệ người tiêu dùng trong việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử
Kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là vấn đề vô cùng nhức nhối trong thời gian qua. Vấn đề này không chỉ xuất hiện trên hình thức mua bán truyền thống mà còn tồn tại trên cả thương mại điện tử. Không những thế, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thương mại điện tử còn phức tạp và khó kiểm soát hơn cả thương mại truyền thống. Thương mại điện tử là một phương thức thương mại mới ở thị trường Việt Nam nên pháp luật cũng chưa có quá nhiều quy định về hình thức trên. Hơn nữa, số lượng người tham gia thương mại điện tử lại càng ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của tổ chức Kepios (Tổ chức chuyên theo dõi người dùng trực tuyến trên thế giới), số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam năm 2022 là 72 triệu, tăng thêm 3,4 triệu người so với năm trước, chiếm 73% tổng dân số, trong đó, 52 triệu người đang sử dụng thương mại điện tử, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022. Chi tiêu hàng năm cho thương mại điện tử là 12,4 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái, một nửa số giao dịch mua được thực hiện trên điện thoại di động (Trích bài “Phát triển thương mại điện tử - Bài 1: Tăng trưởng cao” của cổng thông tin điện tử bộ Tài chính). Vậy lý do tại đâu mà hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lại tràn lan trên các mạng xã hội như vậy? Giải pháp giải quyết là gì? Hãy cùng Viện Nghiên Cứu Pháp Luật Kinh Tế Doanh Nghiệp tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

         Ngày 24/6/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính một hộ kinh doanh livestream bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu qua mạng xã hội Facebook với số tiền hơn 50 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện tại đây đang livestream bán 300 chai nước hoa nhãn hiệu CHANEL, 118 chai nước hoa và 204 tuýp kem chống nắng nhãn hiệu LANCÔME. Cùng thời điểm kiểm tra, đoàn còn phát hiện hộ kinh doanh H.H.N đang kinh doanh 440 chai xịt thơm miệng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Đội QLTT số 1 đã tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ với 3 hành vi vi phạm: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet và kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ để xử lý theo quy định của pháp luật. ( Trích bài báo “Bán hàng online bằng sản phẩm giả mạo, bị phạt hơn 50 triệu đồng” của báo Lao Động).

I. Pháp luật về thương mại điện tử

         Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có luật nào quản lý thương mại điện tử. Văn bản pháp lý quy định về hoạt động của các sàn giao dịch điện tử, về hoạt động của người mua trên không gian mạng hiện nay chỉ có Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và được bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.

         Như vậy có thể thấy, đây chính là một lỗ hổng lớn cho việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan như hiện nay. Thị trường thương mại điện tử là môi trường vô cùng rộng lớn, số lượng người mua bán rất lớn, thậm chí còn gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, số lượng văn bản quy phạm phạm pháp luật để quy định riêng về vấn đề trên lại quá ít, khó có thể quản lý được thị trường thương mại điện tử.

(Nguồn: Internet)

II. Quy định về người bán trên sàn thương mại điện tử

         Các quy định người bán trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP khá ít, chỉ có 2 điều luật quy định về trách nhiệm của người bán đó là Điều 37 (quy định về Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử) và Điều 47 (Trách nhiệm của người bán trên website đấu giá trực tuyến). Hoàn toàn không có quy định về quyền hay nghĩa vụ của người bán, và chưa có quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của người bán trên các sàn giao dịch điện tử. Hơn nữa, pháp luật cũng không quy định về việc cung cấp thông tin người bán, và người bán trên các sàn thương mại điện tử chủ yếu là những cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên và không phải đăng ký kinh doanh. Những điều trên đã tạo một môi trường vô cùng tuyệt vời cho để người bán có thể kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó việc giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng vô cùng khó khăn. 

         Một lỗ hổng nữa trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP đó là về quản lý người bán trên sàn thương mại điện tử. Trong các quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP chỉ quy định về các website thương mại điện tử. Và cũng chỉ có quy định về quản lý người bán trên website thương mại điện tử thôi. Còn trên thực tế, không ít người kinh doanh, bán hàng trên cả các website không có chức năng thương mại, và đương nhiên họ không phải tuân theo các quy định của nghị định trên. Đây chính là hành vi đi trái với tính công bằng trong hoạt động thương mại nhưng pháp luật là chưa thể quản lý được vì chưa có quy định pháp luật. Mà không có sự quản lý của pháp luật thì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện là điều hiển nhiên.

(Nguồn: Internet)

III. Các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

         Pháp luật Việt Nam có luật riêng để bảo vệ người tiêu dùng là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 hiện đang có hiệu lực và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Trong luật năm 2010, không có quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm bằng hình thức thương mại điện tử. Các quy định gần như mang tính tổng quát, dùng chung cho tất cả các hình thức thương mại chứ không cụ thể, rõ ràng trong từng loại. Trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử không có quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của người mua. Nghị định trên chỉ dẫn chiếu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

         Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, đã đề cập đến một số vấn đề của thương mại điện tử. Tuy nhiên, chỉ quy định về một số vấn đề về quản lý về thông tin hàng hóa, thông tin của tổ chức cá nhân kinh doanh; trong khi đó, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại điện tử chưa được quy định. Khi luật có hiệu lực thì cần có thêm các văn bản hướng dẫn về quản lý kinh doanh hàng hóa trên thị trường thương mại điện tử, tránh hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan.

         Pháp luật chưa có nhiều quy định về quản lý, kiểm tra, giám sát các trang thương mại điện tử, quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo. Các quy định hiện hành lại có quá nhiều lỗ hổng, dễ dàng để các chủ thể kinh doanh lách luật, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng, gây mất quyền lợi, uy tín của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên mạng xã hội.

IV. Giải pháp

1. Giải pháp hiện có 

         Vào ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 319/QĐ-TTg 2023 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Quyết định trên đã đề ra kế hoạch, nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng trên thị trường thương mại điện tử, đồng thời đưa ra chỉ đạo cho các cơ quan thực hiện đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Đây được coi là bước đầu để pháp luật Việt Nam đổi mới, cải thiện pháp luật về thương mại điện tử, từ đó có thể thực hiện việc bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. 

2. Giải pháp đề xuất 

         Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp: Hiện nay, pháp luật của Việt Nam chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi quyền lợi của những doanh nghiệp, những cá nhân, tổ chức kinh doanh các mặt hàng chính hãng, hàng có chất lượng lại chưa được chú trọng. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại rất lớn đến quyền lợi, uy tín của các doanh nghiệp. Vậy nên, có một văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi bị ảnh hưởng bởi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là cần thiết. Tại các nước phát triển, người dân ưa chuộng hàng chính hãng hơn hàng giả, cũng là nơi mà nhà nước rất chú trọng đến lợi ích của các doanh nghiệp. Vì vậy mà pháp luật của họ cực kì hiệu quả trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Họ cân bằng được quyền lợi giữa các bên nên công cuộc chống hàng giả không chỉ tới từ các cơ quan nhà nước mà đến từ cả người dân, doanh nghiệp, những người được pháp luật bảo vệ. Đây là bài học hữu ích cho Việt Nam nhằm nâng cao việc bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, giúp pháp luật có thêm một đồng minh trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

         Nâng cao kiến thức và ý thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp về hàng giả hàng nhái: Đây là điều vô cùng quan trọng, bởi khi có kiến thức về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng mới tránh mua phải các mặt hàng trên. Có kiến thức về pháp luật thì người tiêu dùng mới biết cách bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm. Các doanh nghiệp có kiến thức về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có thể tránh được các rủi ro pháp lý khi kinh doanh. Vậy nên kể cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp cần phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu pháp luật. Cơ quan nhà nước cũng cần tuyên truyền pháp luật vào người dân, có như vậy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới được giải quyết triệt để.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 số 59/2010/QH12 ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2010;
  • Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 số 19/2023/QH15 ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2023;
  • Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử ban hành ngày 16 tháng 5 năm 2013;
  • Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 về thương mại điện tử ban hành ngày 25 tháng 9 năm 2021;
  • Quyết định 319/QĐ-TTg 2023 phê duyệt đề án về về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29 tháng 3 năm 2023.

Nguồn: “Bán hàng online bằng sản phẩm giả mạo, bị phạt hơn 50 triệu đồng”, Báo Lao Động, http://Bán hàng online bằng sản phẩm giả mạo, bị phạt hơn 50 triệu đồng (laodong.vn), ngày truy cập: 25/01/2024.

Lâm Nguyễn: “Phát triển thương mại điện tử - Bài 1: Tăng trưởng cao”, cổng thông tin điện tử bộ Tài chính, http://Chi tiết tin (mof.gov.vn), ngày truy cập: 25/01/2024.

Quang Anh

Copyright © 2023 @ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT KINH TẾ DOANH NGHIỆP. Design by Gihugroup.com