Trên thực tế tên gọi “hàng nhái” chỉ là cách gọi phổ thông quen thuộc của người tiêu dùng. Trong Luật quy định chỉ sử dụng chung thuật ngữ “hàng giả” và “hàng kém chất lượng”
(Nguồn: Internet)
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, các căn cứ xác định hàng giả thường bao gồm:
Thứ nhất, dựa trên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa. Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký sẽ được xác định là hàng giả. Ví dụ như sản phẩm sữa được làm giả là sản phẩm được gọi là “sữa” nhưng lại không có chất lượng của sản phẩm sữa tiêu chuẩn đã được công bố trước đó, ngoài ra những sản phẩm được làm giả mang mác “sữa” này có thể gây hại cho người tiêu dùng.
Thứ hai, dựa trên chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa. Hàng giả là hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Ví dụ như các sản phẩm “sữa giả” được bán tràn lan trên thị trường với công bố chất lượng là “sữa tươi” nhưng khi bị kiểm tra lại không đạt được những tiêu chuẩn nhất định về màu sắc, hàm lượng chì, số lượng vi sinh vật có hại hoặc bị cấm có trong sản phẩm hoặc các tiêu chuẩn khác được quy định theo tiêu chuẩn quốc gia thì được xem là hàng giả.
Thứ ba, dựa trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa. Theo quy định, hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa cũng được xác định là hàng giả. Tại Việt Nam, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm như “ngoại nhập” hơn các sản phẩm trong nước. Từ đó, xuất hiện vấn đề về làm giả nguồn gốc và nơi xuất xứ hàng hoá để đánh lừa người tiêu dùng. Các sản phẩm hàng hoá này thường không đảm bảo chất lượng nên cũng được xem là hàng giả.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa ban hành quy định giải thích thuật ngữ “hàng kém chất lượng” một cách cụ thể và thống nhất. Tuy nhiên tại Khoản 5 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 có giải thích về chất lượng sản phẩm hàng hoá là mức độ của đặc tính sản phẩm, hàng hoá đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Có thể hiểu hàng kém chất lượng là sản phẩm, hàng hoá chưa đạt được tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật ứng dụng ở một mức độ nhất định chưa tới mức được xem là “hàng giả”. Bên cạnh đó, “hàng kém chất lượng” là hàng hoá của hãng sản xuất đã được Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh, lưu thông trên thị trường, nhưng vì lý do nào đó chất lượng sản phẩm không đạt chất lượng.
Người tiêu dùng cần có hiểu biết và khắt khe hơn trong việc mua sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm tiêu thụ vào cơ thể người để tránh các hậu quả về sức khoẻ mà không thể lường trước được.
Cơ sở pháp lý:
- Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12;
- Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mỹ Ngọc